Công chứng viên Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1 – Phó chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, thừa nhận thực tế: Việc xử lý hình sự người vi phạm giả mạo trong lĩnh vực công chứng rất ít. Mặc dù phát hiện kịp thời, chưa chiếm đoạt được tài sản nhưng hành vi gian dối, trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội cần phải xử lý hình sự, không nên xử lý hành chính.
Trả lời về biện pháp phòng ngừa giao dịch giả mạo khi người dân bị lừa đảo tráo mất giấy tờ nhà, bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết trung tâm này có chức năng thông báo cho công chứng viên yêu cầu ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền, gồm công an, TAND các cấp, Viện KSND các cấp, cơ quan thi hành án, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất…
Tuy nhiên, bà cũng cho biết thêm: “Vấn đề là thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản của các cơ quan tố tụng rất nghiêm ngặt, phải trong một vụ án cụ thể. Khi người dân phát hiện bị lừa đảo tráo mất giấy tờ nhà, muốn ngăn chặn giao dịch thì cần làm đơn tố giác và yêu cầu ngăn chặn gửi công an và văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện.
Nếu xét thấy cần thiết ngăn chặn giao dịch nhằm bảo đảm cho việc điều tra, xét xử và thi hành án thì cơ quan công an sẽ có văn bản yêu cầu ngăn chặn giao dịch”.